Archive for Tháng Một 14, 2011

Đặc điểm một số giống mía

ĐẶC ĐIỂM MỘT SỐ GIỐNG MÍA
1. Ja 60-5: Nguồn gốc CuBa
Trữ đường cao, dễ đổ ngã, năng suất khá, trổ cờ trung bình, kháng được bệnh than giống chín sớm.
2. C819-67: Nguồn gốc CuBa
Nảy mầm khoẻ, đẻ nhánh sớm, tập trung sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, khả năng để gốc khá, trổ cờ sớm và nhiều, tỷ lệ đường khá. Mía chín trung bình muộn.

3. F 156: Nguồn gốc Đài Loan
Nảy mầm đẻ nhánh sớm, nhảy bụi trung bình, ít đổ ngã, khả năng để gốc trung bình, trổ cờ muộn và có tỷ lệ thấp, thích ứng rộng, chịu hạn, chịu phèn, kháng bệnh than, tỷ lệ đường khá, thân cứng, nước đường đen, không thích hợp ép thủ công. Mía chín trung bình muộn.

4. MY 55-14:
Nảy mầm đẻ nhánh sớm, vươn cao nhanh, thích ứng rộng, chịu hạn, ra hoa mạnh, khả năng để gốc tốt, mẫn cảm với rệp bông, tỷ lệ cây bị bất ruột cao, tỷ lệ đường và năng suất khá. Giống chín trung bình muộn.
5. ROC 10:
Nảy mầm, sinh trưởng thời gian đầu hơi chậm, thời gian sau tốc độ sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khoẻ, thích hợp đất màu mỡ, đất mặn, chịu thâm canh, kháng bệnh than và một số bệnh khác, tỷ lệ đường và năng suất cao. Giống chín trung bình.

II. KỸ THUẬT CANH TÁC
1. Thời vụ:
Có thể trồng rải vụ. Song thích hợp với việc chế biến của nhà máy và cho năng suất cao, đề nghị trồng vào các thời điểm:
– Vùng có tưới: trồng từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch.
– Vùng nước trời: trồng từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch.
2. Chuẩn bị đất:
– Mía có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất pha cát, đất xám đến đất sét nặng. Mỗi loại đất cần có chế độ canh tác thích hợp để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
– Cày sâu 20-30cm, cày 2 lần vuông góc nhau sau mỗi lần cày là một lần bừa để cho đất nhỏ.
– Rạch hàng thẳng sâu 15-20cm. Cách nhau 0,8-1m.
3. Gieo trồng:
* Hom giống:
– Lấy từ ruộng 7-8 tháng tuổi là tốt nhất.
– Chặt ngang giữa lóng, không chặt sát mầm.
– Hom mía có từ 2-3 mầm tốt.
– Trồng càng tươi càng tốt (giống nảy mầm chậm cần phải ngâm ủ)
* Lượng hom 3.000-5.000 hom/sào (Đất xấu trồng dày, đất tốt trồng thưa)
* Độ sâu lấp:
– Thời tiết thuận lợi lấp 2,5-3cm.
– Trời hanh khô lấp 5-7cm.
4. Bón phân: (tính cho 1 ha)
* Đất chua (PH = 4-4,5) bón 1.000kg vôi sau khi cày lần cuối.
* Lượng phân: 250-300kg Urê, 250-300Kg Supe lân, 200-240Kg KCL, phân chuồng 10-15 tấn.
* Cách bón:
– Bón lót: Toàn bộ phân Chuồng, Lân 1/3 Đạm, ½ Kali.
– Bón thúc lần 1: Khi mía kết thúc nảy mầm (4-5 lá) bón 1/3 lượng đạm.
– Bón thúc lần 2: Khi mía kết thúc đẻ nhánh (9-10 lá) bón 1/3 lượng đạm và ½ lượng Kali còn lại.
– Bón vá áo: Khi mía có lóng, nếu thấy mía xấu bón thêm 50-100Kg Urê/ha
5. Xen canh cải tạo đất mía:
Bốn tháng đầu khi mới trồng hoặc chặt mía, giữa 2 hàng còn trống vì vậy nên trồng xen đậu phụng hoặc đậu xanh vừa tăng thu nhập vừa nâng cao năng suất mía.
6. Tưới nước:
Bình quân trong vụ mía thường tưới từ 15-20 lần. Thời kỳ mía nảy mầm đẻ nhánh 1 tháng nên tưới 4 lần.
– Mía đẻ nhánh làm lóng 2-3 lần/tháng.
– Mía làm lóng: 1-2 lần/tháng.
– Mía sắp thu hoạch phải bỏ nước từ 20 ngày trở lên.
Lưu ý: Đất trồng mía không được để nước ngập úng, phải thoát nước nhanh.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
* Đất mới khai hoang hoặc có mối dùng 20-30Kg thuốc Diaphos, Padan để rải.
* Sâu đục thân: Dùng Diaphos, Padan rải vào gốc mía.
* Rệp:Dùng Supracide, Trebon, Bascide để xịt.
* Bệnh than: Đưa những cây bệnh than ra khỏi ruộng và đốt để tiêu hủy mầm bệnh.
III.MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT ĐỂ CHĂM SÓC MÍA GỐC
Cây mía là cây thu hoạch hàng năm, nhưng để lưu gốc nhiều năm. Nếu chăm sóc bón phân tốt năng suất vụ gốc thường tăng hơn so với vụ tơ. Thời gian chăm sóc vụ gốc sớm hơn, khẩn trương hơn, thu hoạch sớm hơn vụ tơ.
1. Sau khi thu hoạch không quá 3 ngày, phải đốt sạch hoặc dọn lá mía ra khỏi ruộng, dùng máy, trâu bò, cuốc cày xả hoặc cuốc hai bên hàng mía làm dứt lớp rễ già.
2. Dùng toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/3 lượng đạm và ½ lượng Kali để bón lót. Bón thúc lần 1, lần 2 và bón vá áo. Căn cứ vào số lá mía như vụ tơ để bón nhưng lượng phân tăng 20-25% so với vụ tơ.
3. Việc chăm sóc tưới nước như vụ tơ.
4. Lưu ý:
– Phải thu hoạch khẩn trương để đảm bảo độ đồng đều của ruộng mía.
– Không để lại những ruộng mía đã nhiễm sâu bệnh khó trị nhất là bệnh than.

Tin mới:

Tin cũ:

Leave a comment »

Kỹ thuật trồng cây thông ba lá

Gỗ thông ba lá được dùng trong ngành xây dựng, kiến trúc, đóng tàu thuyền,… Nhựa để chế biến ra Côlôphan, tùng dương; dẫn xuất của tinh dầu thông được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như sơn, giấy, dược phẩm… những mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Trồng cây con
Thường ươm cây trong bầu. Cây con đem trồng ở miền Bắc khi 4-6 tháng tuổi, miền Nam 6-9 tháng; cây cao 15-20cm, đường kính cổ rễ 0,3-0,4cm, lá xanh đậm, rễ phát triển đều, không bị sâu, bệnh. Vỏ bầu bằng PE thủng đáy, rộng 6-7cm, cao 11-12cm.
Ruột bầu tốt nhất là đất mặt của rừng thông ba lá, đất phải đập nhỏ, trộn với 1% supe lân. Nơi không có rừng thông ba lá thì lấy đất ở tầng mặt (0-30cm) trên có thực bì là cây tế guột (75%) + phân chuồng ủ với lân supe hoai mục (24%) + supe lân đập nhỏ (1%). Nên gieo hạt vào vụ thu dông hoặc mùa xuân. Hạt trước khi gieo phải xử lý, ngâm trong dung dịch thuốc tím nồng độ 0,1% (1g thuốc/lit nước) trong 30 phút, vớt ra để ráo nước, sau đó ngâm hạt trong nước 45 độ C (2 sôi + 3 lạnh) trong 6 giờ, vớt ra rửa sạch, để ráo nước, cho vào túi vải (mỗi túi khoảng 2kg hạt) ủ 3-5 ngày, hàng ngày rửa chua 1 lần bằng nước 30 độ C và thay túi cho đến khi nứt nanh 30% số hạt thì đem gieo trực tiếp trong bầu (mỗi bầu 2 hạt) hay gieo vãi trên luống đất hoặc trong nhà thúc mầm với mật độ rất dày (1kg hạt/1-3m2) để tạo cây mầm. Cây mầm mọc cao 2-3 cm (bằng que diêm) đem cấy vào bầu.
Chăm sóc, tưới đủ ẩm, định kỳ 15-20 ngày xới phá váng 1 lần. Cây xấu tưới thúc 2-3 lần, mỗi lần 0,1kg urê + 0,1kg kali + 0,2kg lân supe hoà với 60-80 lít nước tưới cho 10m2 bầu ươm, tưới phân xong phải tưới lại bằng nước lã để rửa lá. Ngừng chăm bón trước khi trồng 1-2 tháng.
Trồng rừng sản xuất
Thông ba lá chủ yếu được trồng trên đồi núi trọc, đất trơ sỏi đá hoặc có trảng cỏ, cây bụi thấp. Nơi có thực bì cao, phát quang toàn diện, cần thiết có thể đốt; nếu thực bì thấp và thưa, không cần phát bỏ hoặc chỉ phát khu vực hố trồng.
Làm đất trồng theo phương thức trồng rừng cục bộ, hố đào trước khi trồng 1-2 tháng, kích thước 30x30x30cm hay 40x40x40cm.
Thời vụ trồng
Các tỉnh miền Bắc nên trồng vào vụ thu (tháng 8-10) hoặc xuân (tháng 2-4). Từ Nghệ An trở vào nên trồng vào vụ thu. Các tỉnh miền Nam trồng vào đầu mùa mưa.
Mật độ trồng: Nếu trồng lấy gỗ thì 2.500-3.000 cây/ha; trồng làm nguyên liệu giấy, bảo vệ đất 4.000 cây/ha.
Chăm sóc rừng trồng: Thường kéo dài 3-5 năm, mỗi năm 2-3 lần phát bỏ cây bụi, dây leo, làm cỏ, xới đất, vun gốc. Rừng trồng phải trải qua 1-2 mùa sinh trưởng tỷ lệ sống mới được giữ vững, vì vậy 2-3 năm đầu phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và trồng dặm.
Thiết kế băng rộng 10-20m (băng trồng thông rộng 80-100m), trồng cây lá rộng để chống cháy rừng và hạn chế sâu bệnh phá hại.
Nuôi dưỡng rừng thông nhựa, tuỳ theo mục đích kinh doanh và các điều kiện cụ thể khác, số lần tỉa thưa và cường độ tỉa thưa có khác nhau. Riêng kinh doanh lấy gỗ, lấy nhựa thông, số lần tỉa thưa 2-3 lần, lần thứ nhất khi cây trồng được 6-7 tuổi, lần thứ 2 cách lần đầu 4-5 năm, cường độ tỉa thưa 30-50% số cây có trong lâm phần, số cây cuối cùng giữ lại 1.000-1.600 cây/ha. Rừng thông trồng với mục đích phòng hộ chống xói mòn do nước, làm nguyên liệu giấy nhìn nhung không tỉa, chỉ chặt vệ sinh.

Leave a comment »

Kỹ thuật trồng mây nếp

*Chọn đất trồng

Từ lâu đời nhân dân vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ đã có kinh nghiệm trồng mây nếp quanh nhà, quanh vườn làm hàng rào và khai thác làm nguyên liệu cho đan lát và làm dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Đất ở những nơi này thường ẩm xốp nhiều chất hữu cơ rất thích hợp với sinh trưởng của mây nếp. Hơn nữa cây làm giá thể cho mây leo cũng sẵn nên mây phát triển rất tốt.

Nếu muốn trồng mây nếp thành rừng, có thể chọn nơi có các điều kiện sau đây:

– Rừng thứ sinh đã qua khai thác chọn và không có kế hoạch khai thác trong 10 năm tới.

– Rừng non đang phục hồi với các loài cây tiên phong khác nhau.

– Đất sau nương rẫy cũng có thể trồng mây nếp nhưng trước khi trồng phải trồng cây gỗ làm cây che bóng và giá thể cho mây nếp leo.

– Các đai rừng ven suối đất màu mỡ, độ ẩm cao rất thích hợp trồng mây nếp.

* Chuẩn bị đất trồng

Trồng quanh nhà, ven hàng rào, dọc mương máng, nhìn chung đất ở đây chuẩn bị không đòi hỏi cầu kỳ. Cuốc hố trồng gốc cây giá thể 0,5-1m, kích thước hố 15 x 15 x 15cm. Hố trồng đào liên tục cách nhau 1m dọc theo hàng rào. Trường hợp giá thể là tre phải chú ý: nếu tre thành bụi lớn mới trồng này thì mây khó sống và kém phát triển. Kinh nghiệm nhân dân thường đào mương sâu 1m rộng 0,8m cạnh hàng tre và trồng mây bên kia bờ mương cách bờ 0,5m, khi mây lớn cho leo lên cây tre.

Khi trồng mây dưới rừng tự nhiên: phát theo băng rộng 2m, dọn sạch cây. Băng phát cách nhau 5m. Trên băng đào hố trồng mây, khoảng cách hố là 2m hoặc 4m. Kích thước hố 15 x 15 x 15cm. Mỗi hố trồng 2-3 cây con.

* Trồng cây

Trồng mây tốt nhất là vào mùa Xuân thời tiết ẩm và có mưa phùn, hoặc có thể trồng vào đầu mùa mưa.

Khi vận chuyển mây từ vườn ươm đến nơi trồng tránh làm tổn hại đến rễ hay rễ bị khô.

Không làm vỡ bầu đất khi xé túi bầu bằng chất dẻo. Không đào hố sâu dưới tán rừng, lá khô rụng xuống sẽ che lấp và làm chết cây con. Khi lấp đất phải nén chặt để cây mau bén rễ và lấp đất ngang cổ rễ cây để mây dễ đẻ nhánh sau này.

* Chăm sóc cây trồng

Trong 2 năm đầu, mỗi năm làm cỏ 2-3 lần kết hợp với vun xới. Trồng mây dưới tán rừng phải thường xuyên kiểm tra, đề phòng lá cây rụng xuống phủ kín làm chết cây con. Hàng năm phải luỗng phát dây leo bụi rậm một lần để đảm bảo ánh sáng cho mây phát triển. Khi mây lớn và leo lên giá thể cần tiến hành phát cành cây để điều chỉnh ánh sáng giúp cho mây vươn lên sinh trưởng tốt.

Nơi trồng mây đề phòng trâu bò và châu chấu có thể ăn lá mây non.

Thu hoạch mây sợi

Mây trồng quanh hàng rào, trong vườn rừng và nơi đất tốt thì sau khi trồng 3-4 năm có thể thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó hàng năm thu hoạch một lần.

Mây trồng dưới tán rừng, thời gian thu hoạch lứa đầu tiên có lâu hơn 8-10 năm. Khi thấy bẹ lá ở phần gốc bị chết và rụng đi để lộ sợi mây màu xanh hay trắng là có thể khai thác được. Sau đó hai năm thu hoạch một lần

Leave a comment »

Thanh Hóa: Trồng mây nếp – sự lựa chọn mới cho bà con nông dân

Thọ Xuân có hàng chục làng nghề sản xuất mây giang xiên. Sản phẩm mây giang xiên của Thọ Xuân được khách hàng đánh giá cao vì chất lượng tốt, mẫu mã sản phẩm đẹp. Tuy nhiên lâu nay, nguyên liệu mây phục vụ cho các làng nghề hầu hết phải nhập từ nơi khác về. Do đó, giá thành cao, không chủ động được nguồn nguyên liệu. Mặc dù điều kiện đất đai, vườn đồi thích hợp cho cây mây phát triển nhưng bà con ở đây trồng mây chủ yếu theo hình thức tự phối, trồng quanh nhà làm hàng rào là chính. Hơn nữa, giống mây do bà con trồng cho năng suất thấp.

Bằng nguồn kinh phí của địa phương, trạm Khuyến nông huyện Thọ Xuân đã tổ chức thực hiện mô hình trình diễn thâm canh cây mây nếp. Qua hai năm bước đầu cho thấy mô hình này khá phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương. Cây mây nếp phát triển nhanh trên đất lâu nay canh tác kém hiệu quả hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân.

Năm 2008, gia đình ông Trịnh Văn Cường ở thôn Thành Hưng xã Thành Sơn được chọn tham gia mô hình trồng mây nếp. Với 1,5 sào đất, ông Cường đó được trạm Khuyến nông cấp giống, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây. Hiện nay vườn mây nếp nhà ông đang phát triển khá nhanh và dự kiến có sản phẩm thu hoạch trong thời gian tới.

So với những cây khác, mây nếp là cây tốn ít thời gian chăm sóc hơn, mức độ đầu tư chi phí thấp và dễ trồng, ở nông thôn nếu nhà nào neo người vẫn có thể trồng được. Cây mây nếp chỉ cần trồng một lần và cho thu hoạch từ 15 đến 20 năm mới phải trồng lại. Năm đầu khai thác sẽ cho thu hoạch sản lượng khoảng 7tấn/ha, giá trị sản xuất đạt từ 35 – 40 triệu đồng/ha, những năm tiếp theo sản lượng cây mây nếp sẽ tiếp tục tăng 30%/năm. Những địa phương làm nghề thủ công mây giang xiên hoặc nhiều diện tích đất bạc màu, đất trồng cây khác kém hiệu quả có thể phát triển, nhân diện rộng mô hình trồng mây nếp của Thọ Xuân.

Nguyễn Hùng- Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa

Leave a comment »

Trồng cây mây, tạo sinh kế và bảo vệ môi trường bền vững ở Dakrông

Năm 2007, thông qua Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife international), Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã giúp cho người dân 2 xã Húc Nghì, Ba Lòng (huyện Đakrông) xây dựng 2 mô hình trồng mây dưới tán rừng. Đây là mô hình thuộc hợp phần cung cấp các sinh kế cho người dân sống ở tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và các vùng chim quan trọng trên đất thấp.
Trước khi triển khai mô hình, dự án đã tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập mô hình trồng mây ở tỉnh Quảng Ngãi để "mắt thấy, tai nghe", làm quen với những thao tác kỹ thuật cơ bản trong ươm giống, làm đất, trồng, chăm sóc cây mây, trước khi bắt tay vào thực hành tại địa phương. Nhiều người dân khi tiếp cận, làm quen với việc trồng mây đã phấn khởi nói: "Cây mây là cây rất thân thuộc, nhìn thấy trong rừng, trong rẫy hàng ngày mà. Bây giờ biết trồng mây không khó mà vẫn cho thu nhập cao, bà con phấn khởi lắm"..

Dự án đã chọn thôn Hà Vũng, xã Ba Lòng triển khai trồng 5 ha tại 5 hộ gia đình, thời gian thực hiện trong 2 tháng 9 và 10 năm 2007. Tại thôn Cợp, xã Húc Nghì, dự án triển khai trồng 16 ha cho 8 hộ gia đình, thực hiện trong 2 tháng 1 và 2 năm 2008. Dự án tài trợ cho nhân dân phân bón, cây giống, dụng cụ sản xuất, tập huấn và tư vấn kỹ thuật trồng cây mây. Người dân tham gia hoạt động mô hình đóng góp 100% công lao động. Tổng kinh phí cho hoạt động trồng mây tại hai thôn là trên 143 triệu đồng. Cả hai mô hình trồng mây đều được trồng với mật độ 2000 cây/ha, trên băng rộng 1,5m, băng này cách băng kia 5 m, khóm cách khóm trên băng là 3 m. Khóm được trồng theo hình tam giác cân, có cạnh là 40 cm. Đất trồng mây là đất dưới tán rừng tự nhiên, độ dốc không quá lớn, ít đá lẫn. Do đặc tính của cây mây là cần có giá để leo, cán bộ kỹ thuật đã lựa chọn phương pháp trồng theo khóm trên băng. Mục đích của quy trình kỹ thuật này là tận dụng khả năng dựa vào nhau của các cây mây khi đang còn nhỏ, vì vậy mà 3 cây trên khóm sẽ dựa vào nhau để phát triển, vươn cao và bám vào các cây lớn.

Sau thời gian triển khai, hai mô hình trồng mây trên đã được tổ chức Birdlife international và Đại sứ quán Vương quốc Anh nghiệm thu, đánh giá với tỷ lệ cây sống đạt từ 91,1 đến 95,3 %.

Ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, cây mây nước là cây bản địa nên hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, thích hợp dưới tán rừng tự nhiên nên tiềm năng đất đai để trồng cây mây là rất dồi dào. Cây mây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với khả năng canh tác và tự đầu tư của người dân, nhất là bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Cây mây là nguồn nguyên liệu đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, cung không đủ cầu, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Ngay tại huyện Đakrông cũng đã có doanh nghiệp Mai Hoàng chuyên thu mua, chế tác mây, sẵn sàng thu mua hết sản phẩm của bà con trồng với giá cả cạnh tranh. Loại cây này còn hứa hẹn mang lại hiệu qủa kinh tế cao, ổn định và bền vững. Sau 4 năm trồng là có thể đưa vào khai thác và khai thác nhiều lần, cho mức thu nhập bình quân 1 ha trên 10 triệu đồng/năm. Đặc biệt từ mô hình này sẽ mở ra hướng mới cho người dân sống ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có việc làm và thu nhập, giảm áp lực sống dựa vào rừng, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, khôi phục lại sinh cảnh sống cho một số loài chim thú, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Trong đợt kiểm tra vào dịp đầu năm 2008, Đại sứ quán Vương quốc Anh đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Cảm thông và chia sẻ nỗi vất vả của nhân dân thôn Cợp trong việc vận chuyển cây giống với khoảng cách rất xa, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Vương quốc Anh đã hỗ trợ cho người dân bản Cợp một vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại chỗ với trị giá 35 triệu đồng. Đây là sự tiếp sức cần thiết để người dân yên tâm phát triển diện tích cây mây trong thời gian tới.

(Sưu tầm)

Leave a comment »

Kinh nghiệm trồng Mây nếp (Calamus tetradacylus Hance ) tại một số vùng ở Hà Tĩnh

Mây nếp là cây thuộc họ Cau dừa, có độ bền, dẻo và lực chịu kéo tốt, mặt ngoài có màu trắng ngà, bóng đẹp, dễ uốn và được dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp có giá trị kinh tế cao trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

001fb1e4734fc58ee0e41b9302ea5729.jpeg

Đặc tính của mây nếp là cây trung tính, ưa sáng giai đoạn cây trưởng thành, thích hợp độ tàn che 0,4 – 0,5 và được phân bố tương đối rộng từ các tỉnh phía bắc, đồng bằng Bắc bộ đến các tỉnh duyên hải miền trung. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh cây Mây nếp không chỉ mọc tự nhiên trong rừng, ven khe suối, xung quanh vườn hộ gia đình mà được trồng nhiều các huyện như: Cẩm xuyên, Vũ Quang, Hương sơn, Can Lộc … Mây nếp sinh trưởng tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.

Điều kiện gây trồng Mây nếp: Thích hợp nơi đất tốt, tầng đất dày, còn có tính chất đất rừng, dưới tán rừng tự nhiên độ tàn che 0,4 – 0,5, ven khe suối và quanh vườn hộ gia đình.

Kỹ thuật gây trồng:

– Thu hái giống: Mây nếp ở Hà Tĩnh thông thường thu hái từ tháng 4 – 6, khi quả chín có võ chuyển từ màu xanh sang màu trắng vàng, nếm có vị chua, hạt có màu đen và thu hoạch ở những cây trên 7 tuổi (hạn chế: nguồn giống chủ yếu thu hái tự nhiên, chưa có nguồn gốc xuất xứ giống chọn lọc và cải thiện ).

– Xử lý hạt và gieo ươm:

* Trường hợp có thể ủ quả trong vài hôm cho chín đều rồi đem gieo trực tiếp lên luống hoặc bầu, trường hợp này tỷ lệ nẩy mầm thấp, sau 3 – 4 tháng mới nẩy mầm nên kéo dài khâu chăm sóc.

* Trường hợp tách vỏ quả bằng cách ngâm vào nước lạnh khoảng 24 giờ sau đó xát vỏ, để ráo nước, trộn hạt với cát ẩm theo tỷ lệ 1 : 3, đến khoảng 1 – 2 tháng hạt bắt đầu nứt nanh đem gieo trực tiếp vào bầu hạt mới nẩy mầm nhanh và đều hoặc đem phơi khô hạt, bảo quản tạm nơi thoáng mát được 2 – 3 tuần , trước khi gieo ngâm hạt trong nước ấm 40 – 450c (2 sôi 3 lạnh) trong thời gian 12 giờ vớt ra rửa chua để ráo đem gieo trên luống. Luống gieo phải làm đất kỹ, bón lót 3 – 4kg phân chuồng hoai/m2, tiến hành gieo vãi 2kg hạt/ m2, phủ đất dày 1cm, phủ rơm rạ kín mặt luống, thường gieo vào tháng 5 và làm dàn che, độ che bóng 90 – 100%, hàng ngày tưới nước đủ ẩm. Khi cây mạ có 1 – 2 lá mầm tiến hành cấy cây vào bầu, kích cở bầu rộng 6-10cm, cao 12-15cm, thành phần ruột bầu 89% đất thịt tầng mặt + 10% phân chuồng hoai + 1% phân lân; làm dàn che nắng bảo đảm che bóng tốt nhất khoảng 70%; thường xuyên tưới nước cho cây đủ ẩm, định kỳ làm cỏ phá váng cho cây con; huấn luyện cây con trước khi xuất vườn (mở dần dàn che, hạn chế tưới nước, bón thúc, đảo bầu phân loại cây…).

Cây con đưa trồng đạt 18 tháng tuổi, chiều cao trên 20 cm, có 3-4 lá/cây, sinh trưởng tốt không sâu bệnh. Đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt phát thực bì theo băng chiều rộng băng phát 2m, phát dọn sạch thực bì, chừa lại cây gỗ tái sinh, trên băng phát tiến hành đào hố băng thủ công, kích thước hố 30 x 30 x 30cm trong trường hợp trồng kép (trồng 3 cây/hố theo hình chân chó), nếu trường hợp trồng đơn (1 hố/1cây), kích thước hố 20 x 20 x 20 cm hoặc 15 x 15x 15 cm; mật độ hố 3300 hố/ha; lấp hố trước khi trồng 20-30 ngày. Thời vụ trồng tốt nhất vụ xuân thời tiết ẩm có mưa phùn, hoặc có thể trồng đầu mùa mưa; khi vận chuyển cây con từ vườn ươm đến nơi trồng rừng không làm tổn thương đến cây, tránh làm vỡ bầu; Trồng cây phải bóc bỏ vỏ bầu, lấp đất phải nén chặt đẻ cây chóng bén rễ và lấp đất ngang cổ rễ; sau khi trồng tiến hành chăm sóc (thường xuyên kiểm tra, trồng dăm cây chết, nâng đở cây nghiêng ngã, nhặt cành lá che kín cây); Trong 2 năm đầu, mỗi năm chăm sóc 2-3 lần, cuốc cỏ vun xới gốc, thường xuyên kiểm tra, đề phòng lá cây rụng phủ kín làm chết cây con (chú ý không để gốc bị vùi quá sâu để cây đẻ nhánh tốt). Luỗng phát dây leo bụi rậm mở dần cường độ chiếu sáng cho cây sinh trưởng tốt, khi cây đã lớn leo lên giá thể tiến hành phát cành cây điều chỉnh ánh sáng cho thích hợp và bảo vệ cấm trâu bò và gia súc vào khu vực rừng trồng.

Sau khi trồng được 3-4 năm cho thu hoạch, khi thấy bẹ lá ở phần gốc bị chết và rụng đi để lộ sợi mây màu xanh hay trắng là có thể khai thác được, sau đó cứ 2 năm thu hoạch một lần.

Hiện nay, Mây nếp đã được trồng rộng rãi trên địa bàn không những ở các vườn hộ mà còn được trồng dưới tán rừng tự nhiên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và có tác dụng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt khi trồng dưới tán rừng.

Nguyễn Xuân Lê – Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh

Leave a comment »

Giá cao su lập 3 kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp

Cao su tiếp tục lập kỷ lục giá ngày thứ 3 liên tiếp sau khi những số liệu cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ

Thị trường kỳ vọng nhu cầu đối với cao su, nguyên liệu sử dụng trong lốp xe, sẽ tăng lên trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Giá cao su tháng 6/2011 đã tăng 2,5% lên 438,8 yên/kg tương đương 5.267USD/ tấn) tại thị trường Tokyo.

Giá cao su giao tháng 1/2011 đã tăng 5,4% trong tuần này sau khi tăng 50% trong năm 2010.

Thị trường chứng khoán Nhật đã tăng điểm và đồng yên mất giá so với đồng USD sau khi các số liệu cho thấy ngành dịch vụ và thị trường việc làm Mỹ đã cải thiện tốt hơn hơn dự đoán – điều này cũng làm tăng sự lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Các số liệu trên cũng đẩy giá dầu lên hơn 90USD/ thùng.

Ông Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích tại Phillip Futures ở Singapore, nhận xét: “Các số liệu tốt về kinh tế Mỹ và một đồng yên yếu đã hỗ trợ cho việc đưa cao su lên một tầm cao mới”.

Ông cũng cho rằng dự trữ suy giảm ở Nhật đã làm dấy lên lo ngại về việc thiếu nguồn cung.

Theo số liệu từ Sở giao dịch Thượng Hải, kết quả khảo sát 10 kho ở Thượng Hải, Shandong, Yunnan, Hainan and Tianjin cho thấy dự trữ cao su tự nhiên của Trung Quốc là 66.515 tấn thấp hơn 56% so với mức cao của năm ngoái (151.832 tấn)

Theo Bloomberg

Leave a comment »

Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu có thể vẫn còn khan hiếm

Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu có thể tiếp tục còn khan hiếm trong mười năm tới mặc dù có sự gia tăng trong tái canh và trồng mới tại một số quốc gia sản xuất cao su chủ yếu. Điều này là do năng suất sẽ thấp hơn vì diện tích mới được trồng ở các vùng không truyền thống và kèm theo việc thanh lý hàng loạt các cây già có thể sẽ được thực hiện trong vài năm tới

Ngoài ra, các yếu tố khác bao gồm biến đổi khí hậu, tốc độ khôi phục kinh tế toàn cầu, giá dầu thô, v.v. sẽ có ảnh hưởng lên nguồn cung cao su thiên nhiên trong các ngày sắp đến.

Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu được ước tính gia tăng 6,3% như theo số liệu và các ước tính được 11 quốc gia hội viên của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC). ANRPC chiếm hơn 92% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới, Tuy nhiên tăng trưởng năm trong giai đoạn 2007-10 chỉ là 0,7%.

Diện tích khai thác

Tổng diện tích khoảng 2,55 triệu hecta sẽ được đưa vào khai thác mới trong giai đoạn từ 2012-17, bằng 36% diện tích khai thác hiện có (7,037 triệu hecta) trong toàn bộ các quốc gia hội viên của ANRPC. Trong khi đó, tỷ lệ thanh lý vườn cây già ở mức cao có thể ảnh hưởng một phần nào đó đến sản lượng bổ sung này. Cũng cần phải ghi nhớ rằng tỷ lệ trồng mới thì rất cao trong những năm 80. Tuy nhiên việc chuyển đổi diện tích trồng cao su sang cây trồng khác vẫn tiếp tục tại một số quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên. Mặc dù vậy, diện tích khai thác sẽ mở rộng đáng kể tại Thái Lan, Việt Nam và Trung quốc và điều này có thể sẽ có thay đổi trong thứ hạng của các quốc gia về cung cứng cao su thiên nhiên cho đến 2015. ViệtNam sẽ là quốc gia sản xuất lớn thứ 3 tiếp theo là Ấn Độ ở hạng 4 và Malaysia đứng hàng thứ 5.

Năng suất bình quân sau năm 2011 sẽ chịu ảnh hưởng thuận lợi từ cải tiến giống nhưng cũng chịu ảnh hưởng bất thuận từ cơ cấu tuổi cây đang khai thác dẫn đến sự vượt trội của các cây già/tơ năng suất thấp, các ảnh hưởng bất thuận do thay đổi cơ cấu địa lý và chuyển đổi xu thế chính sách từ sản lượng cao su thiên nhiên sang lợi nhuận của người nông dân và các thách thức của biến đổi khí hậu.

Triển vọng 2011

Trong hầu hết các nước sản xuất cao su thiên nhiên chính, tái canh đã bị hoãn lại trong hai năm qua dường như sẽ được thực hiện trong năm 2011 đối với diện tích cây già trồng trong giai đoạn 1980-81. Do yếu tố này và vì tốc độ trồng trong các năm 2003, 2004 thấp nên chỉ có một số ít diện tích có thể được đưa vào cạo trong năm 2011. TạiMalaysia, quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn hạng 3 trên thế giới, diện tích khai thác dường như sẽ không mở rộng do có sự tiếp tục chuyển đổi diện tích cao su sang các cây trồng khác. Các yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng trong năm 2011 là cơ cấu tuổi cây khai thác, cơ cấu diện tích khai thác bị thay đổi theo địa lý, thiếu hụt lao động và khai thác không có kỹ thuật. Và sau cùng là biến đổi khí hậu và sự khó dự báo thời tiết.

Theo hiệp hội cao su Việt Nam

Leave a comment »

Xuất khẩu cao su của Campuchia tăng mạnh trong năm 2010

Trong 11 tháng của năm 2010, giá trị xuất khẩu cao su của Campuchia đạt 73,5 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2009

Theo số liệu của Bộ thương mại Campuchia, giá trị sản lượng cao su của Campuchia tăng chủ yếu là do giá cao su trên thị trường tăng mạnh, đồng thời trong năm 2010 cũng có thêm một diện tích cao su đến tuổi khai thác mủ.

Giá trung bình mủ cao su hiện tại của Campuchia là 4.500 USD/tấn. Hiện nay khoảng 72% lượng mủ cao su của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam do hai bên có đường biên giới chung, các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận chuyển và do đó có thêm lợi nhuận so với xuất khẩu sang các thị trường khác.

Campuchia đã mở rộng diện tích trồng cao su từ 136 ngàn ha năm 2009 lên 180 ngàn ha năm 2010 và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.

Thị trường nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia

http://vietstock.vn/

Leave a comment »

Indonexia sẽ giành vị trí nước sản xuất cao su số 1 thế giới vào 2015

Dự báo Indonexia sẽ vượt Thái Lan trở thành nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới vào năm 2015, sớm hơn 5 năm so với dự tính, nhờ tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng cao su
Sản lượng cao su Indonexia sẽ tăng trung bình 5 –6% mỗi năm bắt đầu từ 2008 để đạt 3,8 triệu tấn vào 2015. Trong khi đó tăng trưởng sản lượng của Thái Lan sẽ chỉ khoảng 2-3% để đạt 3,75 triệu tấn vào 2015.

Tiếp tục tăng trưởng, Indonexia sẽ vượt xa Thái Lan vào năm 2020, với sản lượng 4,12 triệu tấn, cao nhất thế giới, gần gấp đôi mức sản lượng của Thái Lan ở thời điểm đó.

Năm 2007, Indonexia sản xuất gần 2,8 triệu tấn cao su thiên nhiên và vẫn đang nỗ lực tăng sản lượng trên cơ sở tăng hiệu quả sản xuất, được khích lệ bởi giá và nhu cầu cao su tăng trên toàn cầu, theo đà tăng trưởng của các thị trường tiêu thụ lốp xe, găng tay và bao cao su trên toàn cầu.

Trước 2002, năng suất cao su Indonexia rất thấp, chỉ dưới 700 kg/hécta. Nhưng sau đó, nhờ chú trọng phát triển ngành này, năng suất của Indonexia đã tăng lên 979 kg vào năm 2007. Tốc độ tăng ở Thái Lan chậm hơn do thời tiết bất lợi, thiếu nhân lực lao động và bạo loạn ở 3 tỉnh miền nam, nơi chiếm gần 10% trong 3 triệu tấn sản lượng cao su Thái Lan hàng năm.

Nhu cầu cao su toàn cầu rất tốt, nhờ vậy giá liên tục tăng và nông dân phấn khởi tăng đầu tư mở rộng diện tích cao su. Các điền chủ nhỏ của Indonexia đang trồng lại 250.000m hécta cao su và sẽ tiếp tục trồng thêm 50.000 hécta mới mỗi năm cho tới 2010.

Giá cao su thế giới đã hồi phục mạnh kể từ mức thấp nhất của 30 năm – ở thời điểm 2001 – sau khi những nước sản xuất chính là Thái Lan, Indonexia và Malaysia quyết định hạn chế sản lượng để kích thích giá tăng. Cao su SIR20 của Indonexia hiện có giá 1,27 USD/lb, tăng khoảng 8% so với hồi đầu 2008.

Xuất khẩu cao su Indonexia, chủ yếu sang Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, ước đạt 2,4 triệu tấn trong năm 2007, song có thể sẽ tăng chậm lại vào năm nay do tiêu thụ nội địa tăng mạnh. Năm 2007 Indonexia tiêu thụ 390.000 tấn cao su thiên nhiên, và vào năm 2008 sẽ tiêu thụ thêm khoảng 10% so với mức ấy. Nhu cầu cao su của ngành ô tô nước này đang rất mạnh, xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,3% vào năm 2007, mức cao nhất của 11 năm.

http://www.thuongmai.vn/

Leave a comment »